Tháng Giêng là tháng ăn chơi nên mọi người nô nức hội hè tứ phương. Người ta đi hội vì nhiều mục đích: để thưởng thức không khí vui nhộn ngày xuân, để cầu may mắn, lộc tài cho năm mới, để xem những nghi lễ truyền thống từ ngàn xưa chỉ những dịp lễ hội mới được thấy lại, để…chụp hình (một phần không thể thiếu).
Những đông đúc, những đổi thay, những bài viết khen chê cũng nhiều hơn trên các trang cộng đồng vào mùa lễ hội.
Tôi đã tự hứa là sẽ không kể lể hay phàn nàn gì hết từ những chuyến đi, nhìn và ghi chép của mình. Tôi sẽ lựa những điều TÔI THÍCH để kể lại với bạn bè của mình bằng nhiều cách có thể: kể ở văn phòng đầu buổi sáng, kể ở café với bạn ban trưa hay kể ở blog cá nhân khi thực sự có thời gian ngồi lại trước màn hình máy tính. Những tấm hình tôi chụp được cũng phần nào giúp tôi kể với bạn bè mình rằng: Tôi đã có một thời gian rất tuyệt vời ở nơi tôi đã đến.
Chuyến du xuân đầu tiên của tôi là ghé thăm làng Trần Đăng – quê ngoại của em Cảnh Tùng sáng mùng 5 Tết.
Một ngôi làng nhỏ với nhiều đổi mới, xây mới nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính (theo như một người bạn của tôi nói là: nhìn vẫn còn muốn vào)
Hội không quá lớn và không có sự kiện gì quá đặc biệt để trở thành nổi tiếng. Đơn giản là hội làng: trang trọng và quen thuộc với lễ rước kiệu, rồng bao gồm hai đoàn rước rực rỡ sắc màu dân gian từ hai phía cổng làng tiến về ngôi đình cổ ở trung tâm. Điều thật sự làm tôi ấn tượng là ý thức tham gia hội của dân làng và khách ghé thăm. Họ đứng ngắm đoàn rước từ xa hay đứng gọn để nhường lối cho đoàn rước. Mặt ai cũng rạng rỡ ánh cười thân thiện. Trẻ con hớn hở với kẹo và bóng, người cao tuổi diện đồ đẹp ung dung ra đình. Đặc biệt hơn là những cụ nào đúng niên mừng thọ sẽ được rồng, lân và trống hội ghé thăm tận nhà.
Cổng làng Trần Đăng
Một mảng giếng cổ còn sót lại giữa ngôi làng
Thêm một số hình ảnh về lễ hội
Bé diện áo dài đi hội làng
Vài người bạn của tôi thì tranh thủ chụp ảnh
Hai chị em đang ngượng nghịu khi có máy ảnh ngắm mình
Những em bé khác thì ngồi chơi đợi đoàn rồng, lân tới
Rồng và lân đều do các thanh niên làng vào vai
Diễn xuất những nhân vật này cũng rất nóng và mệt, đôi khi có hỏng hóc nữa
Nhưng họ vẫn rất nhiệt tình và vui tính
Họ mang đến niềm vui và tiếng cười
Họ đi chúc thọ vòng quanh làng xóm, đi đến đâu cũng rộn ràng vui
Tôi đã chạy theo đám rồng lân ấy đến vài nơi, cũng hớn hở và háo hức… 😀
HỘI CƠ MÀ!!! 😀
Hà Nội, tháng 2 năm 2014
February 11, 2014 at 01:05
Hội làng này vui thế. Cùng xã với làng tớ 😀
February 11, 2014 at 01:05
Oh vậy hả? Bạn ở làng nào thế?
February 11, 2014 at 01:05
Mùa xuân, mùa trẩy hội. Tấm số 2 đẹp quá Chi. Vừa rồi trên máy bay, anh đọc trong tạp chí Heritage có một bài về làng Đường Lâm. Thấy thích lắm. Chắc phải lên kế hoạch đi thăm ngay trước khi ngôi làng cổ biến mất. Làng quê Việt thật đẹp. Vẫn mong các cấp biết cách gìn giữ và dung hòa chung sống giữa cũ và mới. Để con cháu ta lớn lên vẫn nhìn thấy rõ nguồn cội. Tiếp tục chụp các làng quê Bắc Bộ đi Chi. Thành một bộ sưu tập.
February 11, 2014 at 01:05
Dạ, em sẽ chụp khi có điều kiện. Đường Lâm em cũng chưa có cơ hội ghé thăm bao giờ anh Huy ạ. Mong sớm được thấy ảnh của anh về nơi này ^^
P/s: Em vừa update thêm một số hình ảnh về lễ hội trong bài viết. Tấm hình bé con hẳn cũng gây chú ý với anh bởi tường gạch cũ xưa nữa phải không anh Huy? Em cảm ơn anh nhiều ạ!
February 11, 2014 at 01:05
Năm nay anh có một kế hoạch rất lớn nên chắc chưa đi được nhưng đưa Đường Lâm vào danh sách rồi. Tấm ảnh bé con hay ở nhiều điểm đối với anh. Bức tường cho cảm giác xưa cũ – đúng nơi hội hè đình làng. Tấm áo dài mới tinh – cũng cho thấy đi hội, đi chơi – nhưng không phải hình ảnh đứa trẻ bị bắt ép đứng chụp hình với cha mẹ mà lại đi chân trần, cởi trên chiếc xe đạp – rất đẹp – của riêng mình. Anh nghĩ ngay không biết đoạn đường từ nhà đến đình làng xa không, em bé tự đạp xe hay cha mẹ mang xe đến dùm hoặc đường đi có gập ghềnh không sao lại phải bỏ cả dép ra? Gường mặt nhăn nhó đáng yêu đó có vẻ khước từ yêu cầu rời xa chiếc xe của nó. Hình ảnh hội hè vừa cũ, vừa mới lại gợi trí tò mò tưởng tượng của riêng anh.